MƯỜI HAI ĐỊNH LUẬT SIÊU HẠNG VỀ PHÂN TÍCH CƠ BẢN CỦA GÃ DU MỤC JESSE STINE

12 siêu định luật về phân tích cơ bản đầu tiên mà tôi muốn chia sẻ với bạn (theo quan điểm của tôi) là những thành phần quan trọng nhất của một Siêu cổ phiếu tiềm năng. Những Siêu cổ phiếu tốt nhất của tôi thỏa mãn tất cả 12 tiêu chí cơ bản này. Những tiêu chí cơ bản này cung cấp nhiên liệu cần thiết để cổ phiếu bùng nổ. Một cổ phiếu không nhất thiết đáp ứng mọi tiêu chí mô tả dưới đây, nhưng cổ phiếu thỏa mãn càng nhiều định luật siêu hạng về phân tích cơ bản thì khả năng thành công càng cao.

1 – CỔ PHIẾU CÓ EPS CHIẾN THẮNG

EPS chiến thắng là thành phần bí mật số 1 tạo nên một cổ phiếu “quái vật”. Động lực thúc đẩy giá cổ phiếu đẳng cấp nhất chúng ta muốn tìm kiếm là tình huống công ty liên tục báo cáo doanh thu và lợi nhuận trên mỗi cổ phần (EPS) hàng quý không chênh lệch đáng kể so với nhau trong vài quý vừa qua. Trong trường hợp lý tưởng nhất, chúng ta muốn thấy lợi nhuận có xu hướng tăng lên một chút trong vài quý vừa qua. Điều chúng ta không muốn là những công ty có doanh thu và lợi nhuận thất thường, tức doanh thu và lợi nhuận tăng giảm phập phù khó dự báo qua các quý.

Khi đã xác định được kết quả kinh doanh của công ty tương đối ổn định theo thời gian, chúng ta muốn thấy doanh thu và/hoặc EPS (quan trọng hơn doanh thu) trong quý gần nhất tăng cao hơn đáng kể so với các quý đứng trước. Nhiều người nói doanh thu phải tăng ít nhất X% (ví dụ: 20%) hay EPS cần phải tăng ít nhất X% (ví dụ: 30%) theo năm. Tôi đơn giản là không tìm thấy một con số tham chiếu cố định chắc chắn và nhanh chóng để so sánh về tăng trưởng doanh thu và EPS vì nó còn liên quan đến hiệu suất của cổ phiếu. Tôi đã thấy nhiều công ty chỉ có mức tăng trưởng doanh thu 5% nhưng lại có hiệu suất vượt trội hơn 99% so với các cổ phiếu khác. Đó là vì một cú nhảy vọt về EPS quan trọng hơn một cú nhảy vọt về doanh thu.

Tình huống thường thấy là nhiều nhà đầu tư cho rằng mức tăng trưởng quái vật theo quý là sự kiện chỉ xảy đến một lần. Vì suy nghĩ như vậy nên ban đầu các nhà đầu tư không nhảy vào mua để đẩy giá cổ phiếu lên tương ứng với yếu tố cơ bản mới được cải thiện. Khi giá cổ phiếu và yếu tố cơ bản phát sinh chênh lệch đáng kể trong ngắn hạn, nhà đầu tư khôn ngoan được trao tặng một cơ hội nhảy vào với điểm mua rủi ro thấp/lợi nhuận cao. Bạn sẽ thấy nhiều ví dụ về các cơ hội kiểu này này trong Chương 12.

Ví dụ: cổ phiếu XYZ giao dịch ở mức $5 và EPS các quý gần đây đạt được mức như sau: $0.09; $0.11; $0.10; $0.12; $0.09; $0.11; $0.10, Sau đó… BÙM! Công ty báo cáo mức EPS tăng cực mạnh lên $0.25! Nếu mức EPS mới này bền vững, cổ phiếu có thể dễ dàng đạt mức giá $15-$30 trong tương lai không xa.

2 – EPS TĂNG BỀN VỮNG

Câu hỏi quan trọng nhất cần trả lời là liệu mức EPS mới này có bền vững hay không.

Để trả lời câu này, chúng ta phải đặt câu hỏi: gần đây công ty đã bắt đầu bán sản phẩm mới hay dòng sản phẩm mới chưa? Công ty bắt tay vào một sáng kiến bền vững để cắt giảm chi phí? Công ty có khách hàng mới không? Công ty gần đây đã dừng hoạt động của bộ phận không sinh lời nào đó? Có chất xúc tác mới trong toàn ngành ảnh hưởng đến doanh thu và lợi nhuận không? Có phải công ty gần đây đã sáp nhập với một công ty khác có lợi nhuận và vừa bắt đầu được hạch toán hợp nhất lợi nhuận ròng không?

Dù là chất xúc tác nào, việc của bạn là đào sâu nghiên cứu xem chất xúc tác này sẽ tiếp tục duy trì, hay tốt hơn nữa là sẽ gia tăng trong các quý tiếp theo hay không. Ở đâu đó trong báo cáo lợi nhuận hàng quý, ban quản lý thường tuyên bố rõ ràng rằng doanh thu và lợi nhuận sẽ tiếp tục tăng trưởng trong vài quý tới. Nếu gặp trường hợp này, công việc của bạn sẽ trở nên dễ dàng hơn nhiều.

Nếu ban quản lý chưa ban hành kế hoạch cho các quý trong tương lai, bạn phải lắng nghe các cuộc gọi hội nghị gần đây và lưu ý đặc biệt bất kỳ manh mối nào liên quan đến doanh thu và lợi nhuận trong tương lai. Để tiết kiệm thời gian, thay vì nghe cuộc gọi hội nghị, tôi tìm kiếm bản ghi chép cuộc gọi thông báo kết quả kinh doanh (trang web Seekingalpha.Com là nơi tuyệt vời để tìm kiếm các bản ghi chép này). Tôi đi thẳng vào xem xét phần hỏi đáp với các nhà phân tích của công ty chứng khoán. Thỉnh thoảng bạn có thể nhặt nhạnh những mẩu thông tin tuyệt vời từ nhận xét ngoài lề của CEO hoặc CFO khi trả lời câu hỏi của nhà phân tích.

Bạn cũng nên đọc báo cáo tài chính quý của công ty (biểu mẫu 10q hay 10k) đã nộp cho Uỷ Ban Chứng Khoán để xem ban quản lý có để lại manh mối nào mà cuộc gọi hội nghị không đề cập hay không. Cuối cùng, bạn nên gọi cho công ty để tìm cơ hội nói chuyện với một giám đốc điều hành cấp C nhằm khai thác xem có thêm thông tin không công khai nào không, nếu người này có thể cung cấp.

Sau đây là một vài câu mà bạn có thể hỏi giám đốc điều hành: Tình hình đơn hàng backlog của công ty thế nào? Gia tăng doanh thu chỉ xuất hiện ở một mình doanh nghiệp hay là cả ngành? Có bất kỳ nguyên nhân nào làm giảm lợi nhuận gộp trong tương lai không? Cuối cùng, hãy hỏi thẳng xem kết quả kinh doanh có bền vững hay không. Ai mà biết được, có khi bạn lại may mắn nhận được câu trả lời thẳng thắn thì sao!

Tin tôi đi, bạn sẽ ngạc nhiên bởi lượng thông tin bạn có thể chắt lọc từ cuộc trò chuyện 5 phút với giám đốc điều hành một công ty nhỏ. Nhìn chung, nói chuyện với giám đốc điều hành công ty lớn rất phí thời gian, bởi giám đốc điều hành các tập đoàn lớn đã có nhiều năm kinh nghiệm về việc không tiết lộ bất cứ điều gì quan trọng. Chỉ riêng điều này cũng đủ lý do để tập trung hoàn toàn vào các công ty nhỏ hơn, là nơi có thể dễ dàng trao đổi và nắm bắt thông tin. 

3 – CHỈ SỐ PE HÀNG NĂM TỪ 10 TRỞ XUỐNG (GIÁ RẺ DƯỚI GIÁ TRỊ LÀ CƠ HỘI TUYỆT VỜI)

Tôi có may mắn tham gia vào nhiều cổ phiếu chiến thắng lớn nhất khi giá của chúng so với EPS dự phóng (tính bằng cách lấy EPS quý gần nhất nhân với 4 quý) là 10 hoặc thấp hơn. Vậy tôi có cân nhắc mua cổ phiếu có PE lớn hơn 10 không? Chắc chắn là có! Nhưng điều tôi muốn nói ở đây là ta hãy đặt mình vào tình huống mà lợi nhuận tiềm năng rất lớn trong khi rủi ro chỉ ở mức tối thiểu.

Tham gia vào cổ phiếu tăng trưởng với mức định giá thấp đến mức nực cười không chỉ hạn chế rủi ro giảm giá mà còn mang lại cho bạn sự tự tin to lớn. Nếu cổ phiếu của bạn giao dịch ở mức thấp hơn, bạn chỉ cần tự nhủ nó đang bị định giá thấp như thế nào. Theo kinh nghiệm của tôi, nếu một Siêu cổ phiếu tiềm năng giao dịch dưới mức PE 10, đơn giản tôi bổ sung vị thế, không nhiều lời. Miễn là cổ phiếu giữ giá vững trãi phía trên nền giá, tôi tin rằng việc cộng đồng đầu tư theo đà tăng trưởng phát hiện ra nó chỉ là vấn đề thời gian.

Chẳng có gì phải nghi ngờ, cổ phiếu sinh lời tốt nhất là những cổ phiếu có sự chênh lệch lớn giữa giá trị và giá hiện tại. Nếu bạn có thể tính toán chính xác giá trị hợp lý của cổ phiếu và mua nó với mức chiết khấu 50% – 80%, bạn đang tự tay xây dựng thành công vang dội cho mình. 

4 – EPS LIÊN TỤC TĂNG TIẾN

Cùng với sự bền vững của EPS theo thời gian, lý tưởng nhất tôi muốn công ty có doanh thu và lợi nhuận tăng tiến QUA MỖI QUÝ. Tôi muốn tìm cổ phiếu sau khi nó có quý đầu tiên đột phá mạnh về kết quả kinh doanh, nhưng có thể vẫn còn tiềm năng gia tăng đáng kể kết quả kinh doanh trong các quý tiếp theo.

Như đã thảo luận, nếu nhà đầu tư không chắc chắn về tính bền vững của sự nhảy vọt EPS, họ thường không chấp nhận đẩy giá cổ phiếu lên cao hơn nhiều lần so với EPS hiện tại. Phải sau 2-3 quý liên tục đạt được mức EPS mới này, cổ phiếu mới trở nên được định giá đúng (điều này tạo tiền đề cho giai đoạn suy giảm của cổ phiếu). Ban đầu, các nhà đầu tư có thể đẩy giá cổ phiếu ở mức 10 lần EPS dự phóng mới của nó. Cổ phiếu có thể là công ty tăng trưởng cao nhưng chỉ được định giá một nửa mức P/E của thị trường hiện tại. Những tình huống như vậy rất hiếm.

Sau quý thứ hai có EPS tăng trưởng, các nhà đầu tư dần quen với xu hướng của EPS và thường đẩy giá cổ phiếu tăng lên mức P/E cao hơn. Nếu công ty tiếp tục công bố EPS cao hơn nữa trong quý 3, hãy cẩn thận. Sau vài quý EPS ngày càng tăng, các nhà đầu tư trở nên quá tự tin vào tính bền vững của EPS và có thể đẩy PE năm của cổ phiếu lên trên 30 lần. 

Giả sử ta có cổ phiếu giá $5, EPS nhảy vọt ở quý ban đầu là $0.25, sau đó báo cáo EPS tăng lên $0.30 và $0.35 trong 2 quý sau. Nhờ đà tăng trưởng (momentum) tạo ra bởi niềm tin rằng kết quả hiện tại là bền vững, chỉ trong vài quý, “hiệu ứng tăng trưởng nhiều kỳ” này có thể đẩy cổ phiếu từ $5 lên $42 trên cơ sở bội số PE 30 lần. Quá tuyệt vời.

5 – EPS DỄ DÀNG VƯỢT MỨC CÙNG KỲ TRONG QUÝ TIẾP THEO 

Một trong những điều tồi tệ nhất có thể xảy ra với cổ phiếu là gặp tình trạng không có sự tăng trưởng khi so sánh doanh thu và lợi nhuận với cùng kỳ năm trước. Nếu một cổ phiếu công bố mức EPS $0.25 so với mức $0.05 (tăng 500%!) của cùng kỳ năm trước, khả năng cao nó sẽ hoạt động tốt. Tuy nhiên, điều gì xảy ra nếu công ty công bố EPS $0.25 lần nữa trong quý tiếp theo nhưng quý cùng kỳ năm trước lại đạt EPS $0.27? Khi đó so sánh EPS của quý tiếp theo với cùng kỳ năm trước thì kết quả bị âm. Giả sử không có sự pha loãng EPS một lần trong cả hai giai đoạn, với kết quả như vậy, cổ phiếu sẽ không thu hút được nhiều sự chú ý.

Trường hợp lý tưởng nhất là chúng ta muốn nắm giữ các cổ phiếu đang có mức tăng trưởng EPS đáng kể so với năm trước. Trước khi mua một cổ phiếu, chúng ta cần xem xét liệu đến quý tiếp theo EPS có dễ dàng tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước hay không. Nếu chúng ta tin công ty sẽ công bố EPS $0.36 trong quý tiếp theo so với con số $0.03 của cùng kỳ năm trước, thì giai đoạn này cổ phiếu sẽ dễ dàng tăng giá rất mạnh. EPS $0.36 so với $0.03 sẽ tạo ra tiêu đề báo cáo lợi nhuận siêu hoành tráng ở các trang thông tin. Các nhà đầu tư sẽ nhìn thấy “Cổ phiếu X báo cáo EPS tăng trưởng 1.200%”. Một tiêu đề về kết quả kinh doanh bom tấn như thế sẽ lan khắp cộng đồng đầu tư trong nháy mắt.

6 – ĐÒN BẨY KINH DOANH CAO VÀ BIÊN LỢI NHUẬN ĐANG MỞ RỘNG

Nếu bạn kết luận trên thực tế rằng lợi nhuận của công ty là bền vững, đã đến lúc đào sâu hơn một chút vào báo cáo kết quả kinh doanh của công ty để tìm hiểu về đòn bẩy kinh doanh, hay đòn bẩy hoạt động (operating leverage) của nó. Đòn bẩy kinh doanh tính toán lợi nhuận ròng của một công ty sẽ mở rộng bao nhiêu trên mỗi đô la doanh thu tăng thêm. Các công ty có đòn bẩy hoạt động cao thường có mức chi phí biến đổi thấp so với chi phí cố định. Khi doanh thu bắt đầu vượt quá chi phí cố định, bạn có thể thấy sự bùng nổ về lợi nhuận ròng và do đó mở rộng đáng kể biên lợi nhuận gộp cũng như EPS.

Trường hợp như sau thỉnh thoảng cũng xảy ra: một công ty thua lỗ trong vài năm bất ngờ tăng trưởng lợi nhuận nhanh chóng bất chấp doanh thu tăng trưởng ít hơn nhiều. Thu nhập ròng của công ty tăng đột biến có thể là đòn bẩy kinh doanh cao. Đây chính xác là những gì chúng tôi đang tìm kiếm.

Tất nhiên, kịch bản tốt nhất là tìm một công ty có sự kết hợp song hành, tức là doanh thu tăng vọt và chi phí biến đổi cực kỳ thấp. Tình huống như vậy đích thực là một mỏ vàng. Tình huống hoàn hảo xảy ra khi doanh thu tăng 30% có thể đẩy EPS tăng vọt đến mức không tưởng, ví dụ như 1,000%. Nếu đòn bẩy hoạt động cao và nghiên cứu của bạn cho thấy doanh thu sẽ gia tăng liên tục trong các quý tới, EPS sẽ bùng nổ một cách khủng khiếp. Thưa quý vị; tình huống này chính là Chén Thánh trong đầu tư.

Làm Giàu Từ Siêu Cổ Phiếu- Những định luật đầu tư siêu hạng biến 46 nghìn đôla thành 6.8 triệu đôla trong 2 năm của gã du mục Phố Wall

7 – GIA TĂNG ĐƠN ĐẶT HÀNG BACKLOG

Một số công ty sẽ thông báo số lượng đơn hàng backlog trong báo cáo kết quả kinh doanh. Đơn hàng backlog là số lượng công việc kinh doanh trong tương lai của một công ty hiện có theo hợp đồng nhưng chưa đến thời điểm giao hàng. Dựa vào số liệu đơn hàng backlog, chúng ta có thể ước tính sơ bộ về doanh thu mà công ty sẽ kiếm được trong các quý tới.

Một công ty đại chúng thường sẽ trích dẫn số liệu đơn hàng backlog trong giai đoạn thời gian cụ thể. Thông thường, phần lớn các đơn hàng backlog sẽ chuyển hoá thành lợi nhuận trong vòng 2-4 quý tới.

Sự gia tăng về số liệu đơn hàng backlog giúp nhà đầu tư thêm tự tin thành tích tài chính của công ty sẽ tiếp tục tăng trong các quý tới. Số liệu đơn hàng backlog đóng vai trò cực kỳ quan trọng để ước lượng kết quả kinh doanh ở các công ty không đưa ra kế hoạch lợi nhuận cụ thể. Trường hợp này xảy ra với hầu hết các công ty vốn hóa nhỏ. Vì cơ chế của thị trường là dựa trên kỳ vọng tương lai, các nhà đầu tư có xu hướng đẩy giá cổ phiếu tăng lên đối với các công ty có sự gia tăng đơn hàng backlog tốt ngay trước khi doanh thu gia tăng trên báo cáo kết quả kinh doanh. 

8 – NGƯỜI NỘI BỘ MUA KHỚP LỆNH TRÊN THỊ TRƯỜNG MỞ 

“Những người nội bộ có thể bán cổ phiếu với bất kỳ lý do nào, nhưng họ mua chỉ bởi một lý do duy nhất: họ nghĩ giá cổ phiếu sẽ tăng.” (Peter Lynch)

Chắc hẳn bạn từng nghe nhiều người phát ngôn những câu tương tự. Người nội bộ là những cá nhân có kiến thức sâu rộng về công ty mình tiềm năng của ngành, do vậy chúng ta phải đánh giá hết sức nghiêm túc giao dịch mua bán cổ phiếu của họ. Nhưng như bạn sẽ thấy, có nhiều thứ để bàn về giao dịch mua của người nội bộ hơn là chỉ nhìn vào hồ sơ thông báo mua. Vâng, giám đốc điều hành bán cổ phiếu của họ vì nhiều lý do khác nhau bao gồm kế hoạch tài chính, đa dạng hóa tài sản, nghỉ hưu, tài trợ từ thiện, v.v. Tuy nhiên, trong HẦU HẾT các trường hợp, họ mua cổ phiếu chỉ vì một lý do duy nhất: họ tin rằng giá cổ phiếu sẽ tăng trong tương lai. Động thái mua vào của họ phát đi tín hiệu rằng có thể có yếu tố xúc tác lớn về mặt cơ bản sắp xuất hiện

Khi nhìn lại lịch sử giao dịch của bản thân, tôi nhận ra hành động mua vào của người nội bộ là một loại thần chú kép đối với siêu cổ phiếu. Xem lại số liệu xong, tôi càng củng cố niềm tin từ xưa của mình rằng người nội bộ mua không chỉ là một chỉ báo cho sự thành công về mặt cơ bản trong tương lai ở cấp độ công ty, mà nó còn thúc đẩy và nâng cao đáng kể niềm tin của nhà đầu tư vào cổ phiếu. Sự tin tưởng này cuối cùng biến thành sự tin tưởng mạnh mẽ rằng lợi nhuận hay EPS của công ty sẽ tăng cao, kết quả là thúc đẩy giá cổ phiếu tăng cao hơn nhiều.

Mục tiêu của chúng ta là tìm các giao dịch mua cổ phiếu trên thị trường mở của các giám đốc cấp cao hoặc giám đốc điều hành. Tôi nhận thấy việc nội bộ mua vào có hiệu quả nhất khi nó diễn ra trong thời gian cổ phiếu đang hình thành nền giá dài hoặc ngay sau cú phá vỡ đầu tiên khỏi nền giá. Nếu một cổ phiếu đang vượt ra khỏi nền giá của nó và những người nội bộ vẫn tiếp tục thi nhau gom cổ phiếu ở các mức giá cao hơn trên thị trường mở thì khả năng cao những điều ngoạn mục sẽ sớm xảy ra. Chẳng hạn, người nội bộ của cổ phiếu TRMM (một trong những cổ phiếu chiến thắng lớn nhất của tôi) đã phát đi tín hiệu mạnh mẽ khi họ mua vào ở mức $0.25, sau đó là $0.5, rồi $0.75, v.v … họ mua lên đến mức giá $12! Cổ phiếu này cuối cùng tạo đỉnh ở mức $27. Nếu bạn nào thích số liệu rạch ròi thì xin thưa, đó là mức tăng 10.800% trong 2 năm. Bỗng dưng tôi chợt thắc mắc, Kodak – một cổ phiếu “an toàn” và được bà con cô bác nắm giữ rất nhiều – đã làm ăn ra sao trong khoảng thời gian ấy nhỉ?

Giám đốc điều hành có thể được thưởng cổ phiếu hoặc được mua ưu đãi cổ phần của công ty mình. Nhưng bạn chỉ nên bắt đầu chú ý khi nào thấy họ nhảy vào thị trường mở để mua BỔ SUNG cổ phiếu bằng tiền RIÊNG. Lý tưởng nhất là quy mô giao dịch mua phải lớn so với mức lương của người này. Ví dụ, giao dịch mua nội bộ ở mức nhỏ, tầm $9,000 có thể có ý nghĩa nếu mức lương của cấp lãnh đạo nằm ở mức $70,000. Lượng mua như vậy có thể đóng vai trò quan trọng, đặc biệt là nếu người nội bộ khác cũng hành động tương tự. Bất kể quy mô mua nội bộ thế nào, cứ lần nào thấy người nội bộ doanh nghiệp vốn hoá nhỏ mua cổ phiếu là tôi sẽ chú ý và bắt đầu nghiên cứu sâu hơn.

Cùng một nguyên tắc như vậy, nếu tổ chức hoặc cá nhân có giá trị tài sản ròng cao nộp biểu mẫu 13d/13g mới lên uỷ ban chứng khoán thì đây thường là dấu hiệu rất tích cực. Biểu mẫu 13d/13g là tài liệu bắt buộc về mặt pháp lý thể hiện cá nhân hiện nắm giữ từ 5% cổ phiếu của công ty trở lên. Về lý thuyết, bất cứ ai mua một lượng cổ phần lớn như vậy đều có những thông tin mà nhà đầu tư bình thường không biết.

Cẩn trọng trước những giao dịch mua nội bộ như sau:

  • Mua tượng trưng – thỉnh thoảng giám đốc điều hành sẽ thực hiện các giao dịch mua nhỏ với cổ phiếu của doanh nghiệp mình trên thị trường mở nhằm củng cố niềm tin vào cổ phiếu. Nếu công ty ổn định và cổ phiếu đang xây dựng nền giá vững chắc, hành động mua tượng trưng có thể là một thông điệp ngầm bảo cổ đông dài hạn cứ tiếp tục nắm giữ cổ phiếu. Đối với các công ty trong tình trạng hỗn loạn, nhiều khả năng hành động mua tượng trưng không phản ánh thay đổi về mặt cơ bản trong tương lai công ty. Hành động mua tượng trưng có khi chỉ là một phương tiện để bơm giá cổ phiếu. Các công ty có cổ phiếu đang giao dịch dưới ngưỡng giá tối thiểu trên sàn NYSE hoặc NASDAQ thường giở chiêu này. Nếu cổ phiếu công ty có nguy cơ bị hủy niêm yết, người nội bộ sẽ làm mọi cách để thao túng đẩy giá cổ phiếu lên cao hơn.
  • Cẩn thận với các giao dịch mua trên thị trường mở ở mức giá chênh lệch đáng kể so với giá thị trường hiện tại. Đây có thể là giao dịch mua từ cách đây khá lâu. Tôi không rõ điều này xảy ra như thế nào hay lý do từ đâu, nhưng thực tế là có đấy. Hãy kiểm tra ngày và giá để đảm bảo chúng khớp nhau.
  • Cẩn thận với các quyền chọn mua cổ phiếu ban đầu tưởng chừng là mua trên thị trường mở. Hãy đọc kỹ hồ sơ để xác định chính xác loại giao dịch mua là gì. Một số giao dịch mua quyền chọn có thể khiến nhà đầu tư mới tưởng lầm.
  • Hãy coi chừng các giao dịch chuyển nhượng cổ phiếu uỷ thác, chuyển nhượng trong gia đình và các bên liên quan. Nhiều trường hợp, khi giám đốc điều hành chuyển nhượng cổ phiếu cho một bên liên quan, thoạt nhìn ta cứ tưởng đó là giao dịch mua hoặc bán. Nếu kiểm tra hồ sơ thực tế, bạn sẽ thấy hồ sơ nêu rõ liệu đó có phải giao dịch chuyển nhượng với các bên liên quan hay không.
  • Hãy coi chừng giao dịch mua sau sự kiện xấu. Khi công ty thông báo thông tin xấu như lợi nhuận kém, cổ phiếu của công ty có thể cắm đầu lao dốc. Vài ngày sau, bạn có thể thấy các giao dịch mua của người nội bộ được nộp lên Uỷ Ban Chứng Khoán. Thông thường kiểu mua này là vị thế lỗ trong trung hạn. Suy cho cùng, giám đốc điều hành KHÔNG phải nhà giao dịch như chúng ta. Sau cú rơi mạnh, họ có thể thấy “giá trị” ở cổ phiếu và mua vào cổ phiếu với góc nhìn “rất dài hạn”. Hoặc cũng có thể tình hình công ty nghiêm trọng đến nỗi các giao dịch mua chỉ là mánh lới nhằm xoa dịu công chúng. Cẩn thận kẻo bị lừa.
  • Mua lại cổ phiếu. Các nhà đầu tư nghiệp dư luôn hào hứng khi thấy doanh nghiệp mua lại cổ phiếu của chính họ. Thật không may, việc mua lại cổ phiếu hiếm khi là tín hiệu cho thấy cổ phiếu sẽ vượt trội trong tương lai. Trong thực tế, lắm lúc hành động mua lại cổ phiếu còn báo hiệu điều hoàn toàn ngược lại. Hoạt động mua lại cổ phiếu của công ty diễn ra sôi động nhất vào năm 2007, thời điểm này, hầu hết mọi công ty trong S&P 500 đều tuyên bố mua lại lượng cổ phiếu khổng lồ. Một năm sau đó, nhiều cổ phiếu trong số này giảm hơn 80%. Phải có lý do gì đó, nhưng hầu hết các công ty gần như không bao giờ mua lại cổ phiếu của họ đúng ngay đáy. Tương tự, hoạt động sáp nhập cũng không bao giờ xảy ra ở vùng đáy. Hoạt động sáp nhập hầu như luôn xảy ra ở đỉnh chu kỳ lớn. Các công ty đăng ký mua lại cổ phiếu không phải là lý do để chúng ta mua cổ phiếu đó.
  • Điều cuối cùng tôi muốn nhắc là có thể có khoảng cách đáng kể về thời gian từ khi người nội bộ mua đến lúc cổ phiếu chạy giá. Nhiều lúc người nội bộ mua vì một chất xúc tác phải đến vài quý sau mới xuất hiện. Bởi lý do này, tốt nhất là kiên nhẫn đứng ngoài chờ đợi cho đến khi biểu đồ của cổ phiếu bắt đầu phát tín hiệu mua chuẩn.
  • Mặc dù giao dịch mua nội bộ có thể cung cấp năng lượng đáng kể cho siêu cổ phiếu, nó chỉ trở thành dấu hiệu đáng tin cậy cho thấy cổ phiếu sẽ tăng giá trong tương lai khi kết hợp với các yếu tố cơ bản thiết yếu khác. Tôi không bao giờ mua một cổ phiếu chỉ vì nó có người nội bộ mua mà không đi kèm dấu hiệu cơ bản khác. Tôi lướt qua từng đơn đăng ký mua nội bộ mỗi tối và tôi đảm bảo với bạn 90% các cổ phiếu này không vượt trội so với thị trường. Chỉ khi kết hợp với các yếu tố cần thiết khác thì cá chép mới hóa rồng.

9 – TỶ LỆ TRÔI NỔI THẤP VÀ VỐN HOÁ NHỎ

Lượng cổ phiếu trôi nổi là số lượng cổ phiếu của công ty có thể giao dịch tự do trên thị trường, đây là một yếu tố then chốt quyết định việc các nhà giao dịch theo xu hướng có thể dễ dàng đẩy giá cổ phiếu lên mức cao hơn hay không. Đây là lượng cổ phiếu tự do trên thị trường và không phải do người trong công ty nắm giữ. khi nào mua hoặc bán cổ phiếu, người nội bộ phải nộp đơn cho Uỷ Ban Chứng Khoán, cổ phiếu của họ không đổ vào thị trường hàng ngày.

Nếu bạn tìm thấy một công ty vốn hoá 50,000 tỷ đô la và bạn cho rằng nó bị định giá thấp, sẽ phải mất hàng tỷ đô la trong một khoảng thời gian đáng kể để đẩy cổ phiếu nặng trịch ấy đến mức giá mục tiêu. Nghĩ về MSFT mà xem. Phải tốn hàng tỷ đô la lực mua để đẩy giá cổ phiếu này lên vài phần trăm. Ngược lại, nếu siêu cổ phiếu của bạn có giá $5 và tổng lượng cổ phiếu trôi nổi là 4 triệu thì chỉ cần tầm 1 triệu đô la lực mua đã đủ để đẩy nó tăng thêm 20%.

Khi các quỹ phòng hộ và các nhà giao dịch theo xu hướng lên tàu ở các cổ phiếu có tỷ lệ trôi nổi thấp này, họ khéo léo tích lũy vị thế ở mức giá thấp mà không làm xáo trộn thị trường. Nhờ lực mua bổ sung và các tin tức rò rỉ được tính toán thông minh, họ sẽ tận dụng triệt để tỷ lệ trôi nổi thấp này để đẩy giá cổ phiếu lên cao hơn, chạm đến giá mục tiêu.

Một điều quan trọng không kém là xem xét mối quan hệ giữa khối lượng trung bình và lượng cổ phiếu trôi nổi. Nếu số lượng cổ phiếu trôi nổi là 7 triệu trong khi khối lượng giao dịch trung bình mỗi ngày là 50,000 cổ phần thì nhiều khả năng cổ phiếu sẽ không biến động nhiều cho đến khi xuất hiện đột biến về khối lượng. Mặt khác, nếu lượng trôi nổi là 4 triệu cổ phiếu thôi và khối lượng trung bình hàng ngày là 800,000 thì số lượng cổ phiếu trôi nổi sẵn có đó sẽ bị hấp thụ hết ngay lập tức. Tỷ lệ khối lượng giao dịch/số lượng cổ phiếu trôi nổi trong trường hợp này chắc chắn sẽ dẫn đến sự dao động giá mạnh, và phần lớn là theo chiều hướng tăng. 

Các cổ phiếu có hiệu suất tốt nhất thường có lượng trôi nổi dưới 10 triệu cổ phần. Theo kinh nghiệm của tôi, những cổ phiếu di chuyển mạnh nhất số lượng trôi nổi từ 4 đến 8 triệu. Ngoài ra, hầu hết những cổ phiếu tăng giá mạnh nhất của tôi đều bắt đầu đà tăng ở mức vốn hóa thị trường dưới 100 triệu đô la. Có nhiều trường hợp ngoại lệ khi các cổ phiếu vốn hoá lớn hơn cũng có những cú tăng giá mạnh, nhưng so ra, các nhà giao dịch theo đà tăng trưởng dễ dàng đẩy giá cổ phiếu có mức vốn hóa thị trường 50 triệu đô la lên 200 – 300 triệu đô la trong một vài quý.

10 – “YẾU TỐ ẨN” – “BỐI CẢNH SIÊU HẠNG”

Hầu như mọi siêu cổ phiếu đều có bối cảnh độc đáo để thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư mới. Nó có thể là một bối cảnh vĩ mô trong toàn ngành hoặc của riêng công ty. Giống nhiều thứ khác trong cuộc sống, cổ phiếu cần một “Yếu Tố Bí Ẩn” để khuấy động trí tưởng tượng, sự lạc quan, hào hứng tò mò của giới đầu tư. Hãy luôn tìm kiếm các ngành công nghiệp mới và sản phẩm sáng tạo mới. Hãy tìm công ty có khách hàng mới, đối tác mới, phát minh mới, kỹ thuật mới hoặc công nghệ mới, đặc biệt là công nghệ đột phá có thể làm rung chuyển toàn ngành. “MỚI” là một từ thần kỳ. Các nhà giao dịch theo đà tăng trưởng “yêu” chất xúc tác mới. Chất xúc tác mới khiến họ hào hứng và gắn bó với cổ phiếu. Nhà đầu tư nào mà chẳng muốn đặt cược vào viễn cảnh tươi sáng hơn.

Mấu chốt là tìm ra cổ phiếu kiểu như vậy trước khi các nhà đầu tư khác phát hiện chất xúc tác tương lai này. Nếu chưa ai bàn tán về nó, có thể bạn đã phát hiện một viên ngọc quý. Cảm xúc là thứ rất dễ lây lan, nên khả năng cao một chất xúc tác tiềm năng sẽ lan truyền và ăn sâu bám rễ trong cộng đồng giao dịch theo đà tăng trưởng. Cuối cùng, bối cảnh của cổ phiếu hoặc của nhóm ngành sẽ trở nên nổi tiếng trên truyền thông đại chúng. Đó sẽ là dấu hiệu để bạn bán chốt lãi và chuyển sang bối cảnh lớn tiếp theo.

Ví dụ về các bối cảnh tuyệt vời của nhóm ngành trong những năm qua bao gồm bong bóng internet/.com năm 1999, sợi quang năm 2000, ngành bảo an sau vụ khủng bố 11 tháng 09, ngành tế bào gốc năm 2005, các đề tài về công nghệ sinh học khác nhau vài năm lại xuất hiện một lần, định vị toàn cầu năm 2007, chứng khoán Trung Quốc năm 2008, muối kali năm 2008, dầu đạt đỉnh cực đại năm 2008, vận tải năm 2008, “siêu chu kỳ than đá” năm 2009, Đồ hoạ và điện toán đám mây năm 2011, in 3-D năm 2012 và dữ liệu lớn năm 2012.

Như bạn sẽ thấy trong Chương 12, nhiều cổ phiếu chiến thắng lớn nhất của tôi đều có “bối cảnh siêu hạng” của riêng công ty hoặc của nhóm ngành để thu hút và duy trì động lực cho những cú tăng giá lớn. Nếu một cổ phiếu không có bối cảnh nào đặc sắc, có thể sẽ không trở thành Siêu cổ phiếu.

11 – BAN LÃNH ĐẠO THẬN TRỌNG

Chuyển động giá bền vững thường xuất hiện ở các cổ phiếu có đội ngũ lãnh đạo và giám đốc điều hành trong quá khứ có phát ngôn khiêm tốn, đưa ra dự phóng thận trọng cho tương lai. Không giống cổ phiếu penny, ban lãnh đạo của Siêu cổ phiếu không bao giờ ăn to nói lớn. Họ luôn nói ít làm nhiều và để kết quả phát biểu thay cho năng lực của mình. Trong thị trường chứng khoán, vượt kỳ vọng là yếu tố hết sức quan trọng. Nếu ban lãnh đạo của một công ty nhỏ khoác lác họ sẽ sớm trở thành công ty giá trị tỷ đô hoặc chiếm lĩnh X% thị trường trị giá nhiều tỷ đô, hãy bán cổ phiếu đó ngay và đừng quay lại. Trong những năm qua, trong mỗi cổ phiếu chiến thắng lớn nhất của tôi, ban lãnh đạo không bao giờ dự đoán đao to búa lớn. Cộng đồng đầu tư luôn tiếp nhận những thành tựu lớn lao một cách bất ngờ.

Năm 2006, CEO của một công ty xe bọc thép lớn đã ba hoa công ty ông ta sẽ thống trị thị trường xe bọc thép quân sự bằng cách bán được hàng triệu triệu chiếc. Ông ta tuyên bố rằng cổ phiếu của mình sẽ tăng vọt, biến nó thành một công ty tỷ đô. Hoài nghi về tuyên bố một tấc đến trời của ông ta, tôi bán cổ phiếu ngay lập tức. Chẳng bao lâu sau công ty này đi vào một thị trường gấu dài hạn. Cuối cùng, nhận được thông báo hủy niêm yết của NASDAQ và cuối cùng bị mua lại với giá chỉ bằng một phần nhỏ = tuyên bố tỷ đô của CEO.

Tương tự, ban lãnh đạo của Siêu cổ phiếu thường không mạo hiểm danh tiếng của mình bằng cách phát hành nhiều thông cáo báo chí. Họ phát hành các thông cáo báo chí nghiêm túc và dứt khoát về lợi nhuận hàng quý của công ty hoặc về những bước tiến quan trọng tác động đến yếu tố cơ bản của công ty. Chắc chắn họ không bao giờ phát ngôn gây sốc trên báo chí như rất nhiều công ty tầm thường ngoài kia. Ban lãnh đạo của Siêu cổ phiếu là những người làm đâu chắc đó

12 – EPS CỐT LÕI BOM TẤN CÔNG BỐ TRÊN BÁO CHÍ ĐƠN GIẢN VÀ ẤN TƯỢNG

Siêu cổ phiếu nên có báo cáo quý vừa ấn tượng vừa dễ hiểu để ngay cả nhà đầu tư trung bình cũng có thể nắm bắt được ngay. Điều này cũng giống với phương pháp đầu tư: càng đơn giản càng tốt. Một tiêu đề báo cáo kết quả kinh doanh đơn giản như Tập đoàn XYZ thông báo doanh thu tăng trưởng 50% và EPS tăng trưởng 400%” vô cùng thu hút sự chú ý của Phố Wall.

Trong một số trường hợp, các công ty sẽ công bố kết quả hợp nhất trong 6, 9 hoặc 12 tháng trước đó chứ không tách biệt theo từng quý. Báo cáo tổng hợp phức tạp như vậy có thể đặt dấu chấm hết cho một cổ phiếu theo đà tăng trưởng. Tôi đã đọc nhiều báo cáo kiểu này và thú thực, tôi phải lọ mọ cả mười phút mới hiểu được công ty kiếm được bao nhiêu lợi nhuận trong quý đó. Hầu hết các nhà đầu tư không có kiên nhẫn bới lông tìm vết trong báo cáo với chiếc máy tính bỏ túi để tính ra lợi nhuận quý gần nhất của công ty. Bởi thế, nhà đầu tư sẽ chuyển sự chú ý sang chỗ khác.

Một mánh khóe bẩn là các công ty thường sẽ phát hành báo cáo hợp nhất nhiều quý để che giấu lợi nhuận làng nhàng gần đây.

Trả lời