DẦU KHÍ NỔI SÓNG, THỊ TRƯỜNG CHẬT VẬT GIỮ MA50 NGÀY

Điểm sáng hôm nay là dòng tiền trở lại thị trường, thanh khoản cải thiện trên mức 23,000 tỷ ở sàn HOSE. Nhưng điểm yếu là áp lực chốt lời ngắn hạn xuất hiện sau chuỗi tăng mạnh gần 82 điểm từ đáy giữa tháng 4 và  cùng cản tại 1250 đang hình thành.

KHỐI NGOẠI TRANH THỦ BÁN

Sau chuỗi tăng giá với thanh khoản khá thấp, thị trường lại có ngày đi ngang với thanh khoản lớn. Đó có thể là dấu hiệu chốt lời ngắn hạn. VN-Index gần như mang sắc đỏ phần lớn thời gian nhưng xanh nhẹ +0.15% cuối phiên.

Việc các cổ phiếu dầu khí tăng giúp HNX-Indẽ tăng +0.67%, mạnh nhất trong các chỉ số.

Theo dữ liệu ngày thứ ba, đội tự doanh bán ròng hơn 830 tỷ. Hôm nay, khối ngoại đẩy mạnh gần 1,300 tỷ sau chuỗi ngày mua ròng nhẹ. Câu chuyện chính trên thị trường chứng khoán Việt Nam là: “ngoại bán, nội mua và được đỡ bằng tiền margin, nhờ sự hậu thuận lãi suất rẻ từ ngân hàng nhà nước”.

Vùng 1250 điểm đang là cản kháng cự ngắn hạn cho VN-Index. Nó chính là tỷ lệ Fibonacci 61.8% cho toàn bộ quá trình giảm điểm từ đỉnh tháng 3 đến đáy ngày 19/4/2024. Vì vậy, khả năng giảm điểm trở lại là có.

Đã hai phiên sau ngày Bùng Nổ Theo Đà (6/5/2024), việc thị trường tránh được các phiên phân phối và giữ được trên mức điểm 1,224 điểm (tức trên EMA 21 ngày) đang mở ra hy vọng cho sự thành công của nó.

Dẫu vậy, việc tiếp cận thị trường vẫn phải thận trọng, từ tốn. Sức mạnh của thị trường nhìn chung chưa được cải thiện mạnh mẽ khi nhìn từ các thước đo độ rộng thị trường.

Trong khi thị trường chung đang dần trở lại đỉnh cũ, thì danh sách New High vẫn rất chậm mở rộng. Điều này cho thấy nhiều cổ phiếu phải chật vật xoay sở bởi lực cung từ vùng 1250-1300 điểm.

Tỷ trọng các cổ phiếu nằm trên MA50 ngày chỉ ở mức 42%. Nhiều cổ phiếu chưa giành lại MA50 ngày để xây lại nền giá.

Đây đang là một thị trường biến động mạnh. Giá giảm sốc 130 điểm từ đỉnh 1,300 về MA200 ngày trong 3 tuần, rồi tăng vọt theo kiểu chữ V thêm 80 điểm trong 3 tuần.

Một thị trường biến động quá nhanh không phải là nơi phù hợp để tích lũy cổ phiếu, hay xây nền giá vững chắc. Nếu muốn hình mẫu, nhà đầu tư có thể nhìn lại sự tái tích lũy quanh vùng 1,100 điểm hồi cuối năm 2023, cho thấy tính kiên tạo khi độ rộng thị trường liên tục cải thiện (nhiều cổ phiếu giành lại MA50 ngày).

Điểm sáng hôm nay là các cổ phiếu dầu khí, như PVT tăng trần, cùng PVS, PVD tăng mạnh lần lượt 5% và hơn 3%. Danh sách điểm Breakout Today bao gồm PVT, HAX, PLX. Các cổ phiếu năng lượng đang thể hiện sức mạnh từ đầu tháng 5. Nhưng nên nhớ, vào các giai đoạn gặp áp lực lạm phát thì các cổ phiếu năng lượng cũng hoạt động tốt.

Mối bận tâm của TTCK Việt Nam là tỷ giá và lạm phát. Vietnam bond Yield đi ngang ở 2.8%. Tỷ giá tự do vẫn neo cao ở mức 25,770, trong khi tỷ giá tại ngân hàng giảm chậm. Nhưng yếu tố của đình lạm (stagflation) đang gây tác động lên TTCK. Lạm phát tại Việt Nam đang trong xu hướng tăng trở lại, khi nhập khẩu các yếu tố lạm phát từ thế giới do phòng tuyến tỷ giá bị thủng (VND mất giá -5% so với đầu năm).

HPG GIÀNH LẠI MA50 NGÀY NHỜ CÁC SỐ LIỆU KINH DOANH TÍCH CỰC.

Cho đến thời điểm này, các điểm breakout nền giá đang xuất hiện là dấu hiệu tích cực. Để xu hướng tăng hoạt động, chúng ta cần các điểm breakout nền giá hoạt động tốt và giữ trên điểm mua.

Các cổ phiếu breakout nền giá như REE +2.15%, giữ trên điểm mua 64,160 của mẫu hình Chiếc Cốc Tay Cầm.

PTB +0.85% và giữ trên điểm mua của vùng tích lũy nhỏ 66,500.

Trong khi đó, QNS giảm nhẹ -1% nhưng vẫn giữ trên điểm mua 49,140 của mẫu hình Chiếc Cốc Tay Cầm, vừa mới breakout vào thứ ba.

Diễn biến hiện nay còn quá sớm để nói rằng, chiến lược mua breakout nền giá sẽ hoạt động tốt. Nhất là các nhóm ngành dẫn dắt cũ như ngân hàng, chứng khoán, BĐS KCN…đang bị suy yếu, còn leader công nghệ, bán lẻ bị tăng giá kéo dài.

Việc thị trường đang vá lại xu hướng tăng, nhưng lại gặp phải đường xu hướng tăng bị phá thủng, khiến áp lực cung treo lơ lửng trên đầu lớn.

Vào thời điểm này, hoạt động của các leader sẽ cho biết khả năng thị trường có vá trend thành công hay không? Sự thất bại sẽ khiến xu hướng giảm trở lại.

Hòa Phát là một doanh nghiệp lớn tại Việt Nam với vốn hóa hơn 7 tỷ đô, cũng là cổ phiếu quốc dân sở hữu nhiều cổ đông.

Là doanh nghiệp hàng đầu cả nước, triển vọng kinh doanh của Hòa Phát sẽ cho thấy rõ bức tranh phục hồi của nền kinh tế. Trong lịch sử của mình, Hòa Phát đã đón trúng nhiều chu kỳ kinh doanh của nền kinh tế. Ví dụ Nhà Máy thép Hải Dương 1 vào năm 2009; Hải Dương 2 vào năm 2013; Hải Dương 3 vào năm 2016, hay gần đây nhất là nhà máy Dung Quất 1 vào đúng dịp Covid 2020 với giá thép tăng vọt vì đứt gãy nguồn cung toàn cầu.

Trả lời